Phân tích giấc mơ thông qua các hình tượng

Phân tích giấc mơ theo phương pháp giải thích trực tiếp đến nay còn rất ít. Việc đoán các giấc mơ còn truyền lại đến nay ở phương Đông cũng như phương Tây phần nhiều là các loại phân tích hình tượng trong giấc mơ. Lẽ tất nhiên, các hình tượng đó chỉ là hư ảnh, thường từ hình tượng đó mà suy đoán những việc sắp xảy ra.

Phân tích giấc mơ qua phương pháp tượng hình

Một thủ thuật của các nhà giải mộng hành nghề kiếm tiền là bao giờ cũng để một quãng cách, tùy theo độ tin tưởng của khách hàng mà tăng thêm hay rút đi mức độ của điềm báo.

Thời cổ Ai Cập, có một vị hoàng đế nằm mơ thấy một con dê trắng nhảy vào lòng mình. Hoàng đế triệu nhiều nhà giải mộng đến hỏi ý kiến. Những quan giải mộng theo phương pháp trực tiếp thì tâu lên hoàng đế là Ngài sắp có được một vị quan hầu cận tốt, vì dê là loài súc vật chuyên phục vụ, mặt khác chúng rất tinh khiết. Vì thế người ta thường giết dê để tế thần linh. Dê trắng thì càng quý, có phúc có đức.

Những quan giải mộng thuộc phái phân tích hình tượng suy đoán thì lại cho rằng nhà vua sắp bị một vị cận thần làm phản, vì dê là hình tượng của người gần gũi, đó là con vật chỉ biết phục tùng và trung, thế mà nay lại dám quay lại nhảy vào chủ, đó là điềm xấu.

Chẳng có sách nào ghi lại kết thúc của câu chuyện xưa để biết phái nào đúng, có điều, lập luận của phái phân tích hình tượng có vẻ khoa học và vững chắc hơn.

Phương pháp phân tích hình tượng có:

- Phép phân tích chữ viết.

- Phép tượng trưng.

- Phép liên hệ cùng loại.

- Phép phá dịch (phân tích tỉ mỉ, chia nhỏ).

Sử dụng được những phương pháp này, người phân tích phải có trình độ nhất định, đặc biệt phải có một số tri thức tâm lý. Chúng ta hãy lấy phương pháp phân tích chữ viết (trắc tự pháp) - là phương pháp đoán và giải các giấc mơ thường dùng nhất, để nói. Phương pháp này áp dụng chủ yếu cho chữ Hán.

Phương pháp trắc tự là một loại lập luận căn cứ vào hình thức. Dự đoán lành hay dữ mới là mục đích và nội dung của nó. Phân tích chữ là để tìm ra lời đoán điềm lành dữ, ban đầu nó có mối liên hệ chặt chẽ với đoán giải các giấc mơ. Các nhà đoán giải giấc mơ đã lợi dụng phương pháp phân tích chữ viết để phục vụ cho mục đích của mình.

Một vài ví dụ dưới đây sẽ làm rõ hơn các phương pháp.

1. BA BÔNG LÚA TẾ MẬU

Tế Mậu nằm mơ thấy 3 bông lúa trên cao

Theo Hậu Hán thư: Tế Mậu, tự là Tử Lễ, là con nhà võ. Một đêm, Tế Mậu nằm mơ thấy mình ngồi giữa điện lớn, trên cao có 3 bông lúa, Mậu nhảy lên ngắt bông ở giữa nhưng lại mất.

Tế Mậu hỏi Chủ bạ Quách Hạ, Quách Hạ nói:

- Điện lớn là hình tượng của Cung phủ. Có lúa là lộc của bề tôi, ngắt được bông lúa ở giữa là hạng quan trung cấp, như thế là sẽ ra làm quan, Quả nhiên một tháng sau Tế Mậu được phong làm Tư đồ.

Thời cổ, Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá: “Nằm mơ là như thế nào?” Kỳ Bá nói:

- Tinh thông như thánh thần, có giấc mơ lành là điều rất tốt. Có 4 cách để đoán giấc mơ, cũng có điềm báo trước về thiện và ác.

2. DOÃN THAO NẰM MƠ

Theo sách Linh nghiệm ký: Doãn Thao người huyện Thiệu Hưng, trước khi lên kinh thành ứng thi đã ăn chay niệm Phật, lên núi Thất Khúc cầu xin thần linh phù hộ. Đêm ấy Doãn Thao nằm mộng được thần báo:

- Ta đã xếp cho anh được đỗ đầu bảng.

Năm sau quả đúng như vậy, Doãn Thao cảm kích, đem câu chuyện giấc mơ khắc lên đá.

3. BA CON DAO CỦA VƯƠNG TUẤN

Vương Tuấn, tự là Sỹ Trị, làm Thái thú ở Quảng Hán.

Ban đêm ông nằm mơ thấy có ba con dao treo ở xà nhà đầu giường nằm, sau đó lại thấy một con dao nữa, tỉnh giấc kinh sợ, cho là có điềm dữ.

Nhưng Chủ bạ là Lý Nghị đến chúc mừng:

- Theo chữ Hán, ba con dao là ba chữ “dao”, ghép lại là chữ “châu”, sau lại thấy thêm con dao nữa thành chữ “ích”. Ghép hai chữ lại là Ích Châu, một địa danh.

Người đoán mộng bảo với Vương Tuấn: “Anh đến Ích Châu sẽ làm nên.” Trong trường hợp này Lý Nghị dùng phương pháp phân tích chữ viết để đoán mộng. Phương pháp này khác với cách phân tích ngữ nghĩa của văn học và chỉ thứ chữ tượng hình như chữ Hán mới có thể sử dụng được phương pháp này.

Có những chữ khi đoán phải tách ra thành các bộ, có những chữ cứ để nguyên mà giải nghĩa để đoán định nội dung giấc mơ.

4. CÁT SĨ CHIÊM NẰM MƠ THẤY DA HƯƠU

Theo sách Nam sử: Cát Sĩ Chiêm, tự Lương Dung, nằm mơ thấy da hươu, đếm được 11 chiếc.

Thức dậy, ông vui vẻ nói:

- Hươu, có lộc rồi, ta đang có 11 cái, lộc được hưởng chăng?

Từ đó ông làm quan được thuận lợi, thấm thoát đã được 9 năm, về sau được làm đến Thái thú Vũ Xương nhưng vì lòng dạ độc ác chỉ làm được thêm 2 năm nữa rồi chết ngay tại công sở.

Nếu phân tích chữ Hán thì chữ lộc là con hươu, đồng âm với bổng lộc, 11 chiếc ứng với 11 năm hưởng lộc.

Người đời ai cũng khen giấc mộng linh nghiệm.

Ở phương Tây thường xem chữ ký bao nhiêu nét, ngoặc lên hay ngoặc xuống, dáng chữ ký bề thế hay vụn vặt...

Những sách đoán mộng theo cách phân tích chữ Hán đã thất lạc nhiều, số còn lại đều là sách viết về phương pháp căn cứ vào từ đồng âm mà phân tích.

Ví dụ như chữ “lộc” trong giấc mơ của Cát Sĩ Chiêm hoặc chữ “quan”có nghĩa là quan lại đồng âm với chữ “quan” là quan tài - hòm đựng người chết.

Trong Đôn Hoàng di thư có ghi nhiều lời giải các giấc mơ theo phương pháp dựa vào chữ:

- Nằm mơ thấy quan tài là điềm báo điều lành, có thể làm quan.

- Nằm mơ có người đưa quan tài vào nhà thì chủ nhà có tiền của.

Trong các phương pháp phân tích những giấc mơ thì phương pháp “phá dịch” là khó giải thích nhất.

Khi một người nằm mơ thấy hiện tượng quá rắc rối tự mình không thể lý giải nổi ắt phải tìm người giải đoán giúp, nếu không sẽ canh cánh bên lòng.

Phương pháp phá dịch có nghĩa là phân tích tỉ mỉ, giải thích cho bằng được. Phương pháp này khá phức tạp.

Đời Tấn, Trung Hoa có Sách Chẩm, tự Thúc Triệt là một chuyên gia về phép phá dịch. Lúc nhỏ tuổi ông lên kinh đô, theo lớp Thái học, làu thông kinh sử, là một đồ đệ đạo Nho, thông thạo thiên văn, giỏi thuật bói toán, từ chối không nhận chức quan Tư đồ Lang trung. Biết Trung Hoa sắp có loạn lạc, ông tránh về nhà. Người trong thôn, trong xã biết tiếng ông tài giỏi về bói toán, giải mộng nên đến cầu hỏi rất đông. Sách Chẩm nói:

- Hồ đồ nói điều dị đoan thì chỉ hại mình. Nếu nói không ứng nghiệm thì ngừng ngay. Chỉ có một điều không hổ thẹn là giải đoán các giấc mơ.

Đoạn trong sách Tấn thư này nói rõ Sách Chẩm thông thạo thiên văn, thuyết Âm Dương nhưng giỏi hơn cả là giải mộng.

Sách Tấn thư cũng nêu một số câu chuyện khác để nói lên tài giải đoán giấc mơ của Sách Chẩm.

5. GIẤC MƠ CỦA TRƯƠNG TRẠCH

Trương Trạch nằm mơ thấy mình cưỡi ngựa lên núi

Trương Trạch là Chủ bạ một quận, mơ thấy mình cưỡi ngựa lên núi, đi lại ba vòng, nhưng chỉ thấy tùng và bách không biết cửa đi vào.

Sách Chẩm nói:

Mã (ngựa) là gặp khó khăn, quẻ Ly là Hỏa. Hoả là lửa, sắp gặp tai họa. Người lên núi là điều dữ. Tùng bách là hình tượng mồ mả. Không biết cửa vào là không có cửa. Đi ba vòng là trải qua ba năm. Như vậy, sau ba năm ắt có họa lớn.

Quả nhiên, sau ba năm Trương Trạch bị bọn phản quốc giết.

6. SÁCH SUNG NẰM MƠ THẤY QUAN TÀI

Sách Sung nằm mơ thấy hai cái quan tài rơi ngay trước mặt, đến hỏi Sách Chẩm. Chẩm giải thích:

- Quan tài là quan chức, có người đang tiến cử ông với triều đình. Hai cái quan tài là hai lần thăng quan.

Sau đó bỗng nhiên có Tư Đồ Vương Mậu là người giúp việc riêng của Thái thú tiến cử Sách Sung với quan Thái thú cho nhận chức Công tào, sau thăng lên Hiếu liêm.

Cách phân tích nội dung giấc mơ của Sách Sung chứng tỏ tài đoán mộng của Sách Chẩm, đồng thời cho thấy phương pháp phá dịch phải kết hợp với nhiều phương pháp như trắc tự và suy luận.

7. GIẤC MƠ CỦA TỐNG DŨNG

Tống Dũng nằm mơ thấy một người mặc áo đỏ liền giơ tay đánh hai cái rất mạnh.

Sách Chẩm lý giải:

- Trong nhà có người là chữ “nhục” 肉 (thịt). Theo chữ Hán, chữ “nội” 內 thêm chữ “nhân” 人 (người) vào giữa là chữ “nhục” 肉 (thịt). Thịt thì có màu đỏ, đánh hai cái là đánh chén quá no.

Quả nhiên sau đó Tống Dũng được đánh chén một bữa thịt rượu no say.

8. GIẤC MƠ CỦA HOÀNG BÌNH

Một hôm Hoàng Bình đến hỏi Sách Chẩm:

- Tối qua tôi nằm mơ thấy ngựa múa trong nhà, có hơn 10 người vỗ tay khen ngựa. Như thế là điềm gì?

Sách Chẩm phân tích:

- Ngựa là Hỏa. Vỗ tay khen ngựa tức là cầu xin lửa. Mọi người phải cứu hỏa đấy!

Quả nhiên Hoàng Bình chưa kịp trở về thì nhà đã bốc cháy.

9. GIẤC MƠ CỦA SÁCH THỎA

Sách Thỏa nằm mơ thấy phía đông nhà có 2 chồng sách, chồng sách lớn hư, chồng sách nhỏ có đề chữ và để trong túi. Một chồng đặt ở trước, một chồng đặt sau. Sách Thỏa không phân tích được nội dung giấc mơ bèn đi hỏi Sách Chẩm. Sách Chẩm phân tích:

Chồng sách lớn đã nát, sắp đưa đi chôn. Chồng sách nhỏ có đề chữ chỉ trích. Chồng đã hư hỏng đặt trước là gặp điềm dữ trước, chồng đặt ở sau là lưng, là gặp dữ sau lưng. Nhà của cha Sách Thỏa ở phía đông.

Ba ngày sau đúng như lời Chẩm đoán, cha Sách Thỏa gặp điều hung dữ.

10. GIẤC MƠ CỦA QUẬN CÔNG TÀO TRƯƠNG MIÊU

Tào Quận công phụng sứ đi Chỉ Châu, đêm nằm mơ thấy chó sói cắn mất một chân, đến hỏi Sách Chẩm. Sách Chẩm giải thích:

Chữ “cước” 脚 là chân, bỏ bộ “nguyệt” 月 bên trái còn lại chữ “khước” 却 có nghĩa là bỏ đi. Bọn người ở phía đông nhà sẽ làm phản, muốn trục đi không được Nên dời nhà đi nơi khác.

Tào không nghe lời Chẩm, về sau sự việc xảy ra, Trương Miêu mới chịu dời nhà.

Sách Chẩm căn cứ vào hình tượng các giấc mơ khác nhau mà có những cách phân tích khác nhau. Sách Chẩm có ảnh hưởng lớn đến các nhà phân tích nội dung các giấc mơ đời sau.

Tiếp theo Sách Chẩm, có một số nhà phân tích nội dung các giấc mơ theo phương pháp tượng trưng.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, các nhà giải mộng không thể nói thẳng ý của mình mà phải tìm cách nói vòng vo kín đáo. Mặt khác, phương pháp tượng trưng còn có thể phân tích rõ ràng những hình tượng trừu tượng trong giấc mơ.

Sau đây là một số ví dụ phân tích giấc mơ bằng phương pháp tượng trưng.

Giấc mơ gặp gấu là ứng vào nam

- Trong giấc mơ gặp gấu là ứng vào nam, gặp rắn là ứng vào nữ.

- Thấy đàn cá là được mùa, gia thất đề huề, hạnh phúc.

Đây là ý niệm từ thời xưa, người Trung Hoa đã dựa vào tâm lý truyền thống để phân tích các giấc mơ.

Hình tượng các giấc mơ trong phương pháp tượng trưng rất rộng.

Trong các sách phân tích giấc mơ truyền thống của Trung Hoa quan niệm:

* Các giấc mơ dữ

- Nằm mơ thấy người mặc áo mới: mắc bệnh.

- Nằm mơ thấy người cởi quần áo: cãi nhau.

- Nằm mơ thấy người mặc áo xanh: quan gọi.

- Nằm mơ thấy người mặc áo đỏ: có chuyện kiện tụng.

- Nằm mơ thấy người mặc nữ phục: rất dữ.

- Nằm mơ thấy người mặc y phục rách: vợ có bệnh.

- Nằm mơ thấy người đội khăn rách: rất dữ.

- Nằm mơ thấy người lạ mang khăn lửng che đầu: tử vong.

- Nằm mơ thấy vải: có chuyện cãi nhau

* Những giấc mơ lành

- Nằm mơ thấy người mặc áo vàng: việc hết sức vui mừng.

- Nằm mơ thấy người đang mặc quần áo: rất tốt.

- Nằm mơ thấy người đeo giải: được làm quan.

- Nằm mơ thấy người đội khăn mới: rất tốt.

- Nằm mơ thấy giày dép: mọi sự hòa hợp.

- Năm mơ thấy người mặc áo xanh lục: vợ có mang (Vì thời cổ ở Trung Hoa người vợ mặc áo màu xanh lục).

Chúng tôi xin phân tích ảnh hưởng của tâm lý dân tộc trong việc đoán giải các giấc mơ.

- Nằm mơ thấy người mặc áo trắng thì ông chủ hết sức vui mừng, gặp đại cát. Vì áo trắng tượng trưng cho văn nhân, học sĩ. Mặc áo trắng là những người cao quý. Màu trắng là màu tốt, có lợi.

- Nằm mơ thấy người mặc áo xanh: áo xanh tượng trưng cho quan tước. Trước thời Hán có quy định các quan trong triều mặc áo xanh, lễ phục của nhiều thời nên màu xanh tượng trưng cho quan lại.

- Nằm mơ thấy màu đỏ: việc dân phải hầu quan người ta dùng từ “quan sự”, phiền toái, thuận lợi ít, khó khăn nhiều. Đời Đường quy định: áo tứ phẩm có màu đỏ sẫm, ngũ phẩm có màu đỏ nhạt và mang đai vàng.

- Nằm mơ thấy màu vàng: rất tốt, vui mừng lớn vì màu vàng là màu của vương gia; hoàng đế các vương triều phong kiến Trung Hoa đều dùng màu vàng để tượng trưng cho vương quyền, cho rằng có màu vàng như có thần tiên phù hộ mình, nên nằm mơ thấy người mặc áo màu vàng là điềm tốt.

Trong sách Thái Bình quảng ký, tác giả Sở Thục viết:

“Ông ốm nặng mê man hơn bốn mươi ngày, ông mơ thấy một nữ sĩ mặc áo vàng nâng bình thuốc bằng ngọc lên mời ông uống, ông uống hết bình thuốc khỏi bệnh ngay.” Đây là một phương pháp tượng trưng để phân tích giấc mơ. Phương pháp tượng trưng có đề cập đến áo quần, đồ dùng, các loài cầm thú, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, sao trên trời, nhà cửa... ngay cả tứ chi của con người...

Người cổ đại ở phương Đông cũng như phương Tây khi phân tích các giấc mơ hay dùng phương pháp này.

Người đương thời vẫn nói rằng giáo chủ Mahomet (569- 632) của Ả Rập thường sống theo linh giác. Một đêm, Mahomet ngủ, nằm mơ thấy có phép màu nhiệm nào đó nâng bổng ông lên, đưa ông đến thành Jerusalem. Ở đây con ngựa thần có cánh tên là Al Borah đã đặt ông dưới chân đền Do Thái rồi đứng đợi ông. Đền Do Thái bị phá hủy, ông nhìn đi nhìn lại chẳng thấy gì.

Con ngựa bay đưa ông lên tận trời cao rồi lại bay trở xuống. Rồi do một phép màu khác ông trở lại trần gian và nằm ngủ trên chiếc long sàng hoàng đế ở kinh thành La Mecque.

Câu chuyện Mahomet nằm mơ được người đời sau phân tích: Mahomet là nhà tiên tri được thánh Allah giao cho sứ mệnh dắt dẫn dân tộc Ả Rập.

Rõ ràng, sự lý giải cho giấc mơ cũng là thực tế cuộc đời Mahomet.

Triết gia In Sina, một triết gia có tiếng của Ả Rập sống ở thế kỷ thứ X có viết: “Do trực giác, người ta biết có linh hồn, linh hồn thuộc tinh thần. Có linh hồn thì thế giới vô hình mới thật sự có ý nghĩa. Linh hồn dẫn dắt hành động”.

Linh hồn trong sạch thì hợp nhất với linh hồn vũ trụ.

Linh hồn trong sạch hợp nhất với linh hồn vũ trụ

Cũng từ đó những hình tượng trong các giấc mơ có ý nghĩa tượng trưng, linh hồn tốt thì báo điềm tốt, linh hồn xấu hành động trong giấc mơ thì báo điềm xấu.

Tương tự, con người thời hiện đại phân tích các giấc mơ:

- Nếu trong giấc mơ thấy cầu thang điện tử đi lên các tầng trên thì đó là cuộc đời đi lên; còn hạ xuống là cuộc đời giáng tụt lùi, gặp nhiều khó khăn.

- Nằm mơ thấy nhà tù, sở cảnh sát thì sẽ phạm tội ác, bị trừng phạt.

- Nằm mơ thấy trước mặt là con đường dốc, hành lang dài, có cống ngầm... thì phải tránh những điều xáo động, không ổn định.

- Nằm mơ thấy máy bay đang bay là biểu hiện của dã tâm đang muốn leo lên địa vị cao hoặc muốn thoát khỏi tay ai, thoát khỏi sự việc nào đó.

- Máy bay bay về phía trước: tượng trưng cho sự tiến bộ.

- Nằm mơ thấy cảnh sát thì sẽ bị phạt vì phạm tội.

- Nằm mơ thấy cảnh sát là biểu hiện dục vọng nôn nóng muốn được ngay.

- Nằm mơ thấy mình là một thây ma thì có lỗi, phải chịu hình phạt vì hành động của bản thân. Giấc mơ này biểu thị tâm lí lo sợ cái chết.

- Nếu nằm mơ thấy xác chết người khác thì phải trừ khử ngay lòng tham ở người đó.

- Nếu nằm mơ thấy có đồng hồ đeo tay, quyển lịch là biểu hiện của cảm giác bất an.

- Nằm mơ thấy cô gái làm bạn với mình là biểu hiện băn khoăn sợ không ai yêu, hoặc sợ bạn gái không kết hôn với mình. Muốn trưởng thành nhanh. Muốn xa nhà, xa người thân, chưa thỏa mãn với thực tế trước mắt.

Một số sách giải mộng đời Đường, đời Tống đã có những câu đúc kết về cách giải giấc mơ. Ví dụ:

- Mơ thấy bị roi quật vào mông thì muốn được sai phái.

- Mơ thấy ngũ cốc: điều tốt, có tài lộc.

- Mơ thấy gái đẹp: muốn lập gia đình.

- Mơ thấy chõ đồ xôi: muốn lấy vợ.

- Mơ thấy bàn cờ: muốn chiến đấu.

- Mơ thấy khay chén: sẽ có khách đến.

- Mơ thấy đàn sáo: có bạn bè.

- Mơ thấy làm việc bếp núc: cần tìm vợ.

Những người đoán mộng thường rất sáng tạo, không theo một phương pháp cố định nào. Họ nắm vững phong tục tập quán của từng địa phương, truyền thống và tâm lý con người cụ thể để kết hợp hài hòa, gây lòng tin cho người nhờ giải mộng. Những người hành nghề kiếm lợi bằng việc đoán các giấc mơ thì cố tình sắp xếp các lời phân tích cho có vẻ huyền bí, khó hiểu, đầy bí ẩn để huyễn hoặc khiến đương sự không đủ khả năng để nhận chân.

Viết bình luận