Căn cứ để phân tích Giấc mơ là khoa học hay mê tín
Mục lục nội dung
“Vạn vật có linh nghiệm” là câu nói của người đời xưa, là một quan niệm được kế thừa. Các nhà khoa học đời sau quan tâm nghiên cứu về vũ trụ, nhân sinh, về sinh vật đều đề cập đến quan niệm này.
Thales - nhà hiền triết cổ đại Hy Lạp sinh ra ở thành phố Miletos, một thành phố cổ trên bờ biển gần cửa sông Maeander của Thổ Nhĩ Kỳ, sống vào những năm 624 đến 547 trước Công nguyên, là tài năng toán học, thiên văn học, đã tiên đoán được nhiều hiện tượng tự nhiên. Tương truyền, Thales tìm ra chùm sao Bắc Đẩu (Đại hùng tinh), tiên đoán được nhật thực vào năm 585-584 trước Công nguyên.
Thales là người sáng lập ra trường phái duy vật tự phát, lấy quan điểm duy vật để giải thích hiện tượng tự nhiên. Thales đề cập đến thuyết “vạn vật linh nghiệm”, đứng trên quan điểm duy vật, dùng nhãn quan khoa học để phân tích khá sâu sắc vấn đề này. Các loại tôn sùng như: tôn sùng thiên nhiên, tôn sùng các loài động vật, cây cỏ; tôn sùng những hình tượng trừu tượng như ma quỷ, thần thánh; mê tín tiền thân, phận kiếp, các loại tế lễ cúng bái bói toán đều là những hình thái ý thức ban đầu của con người mà cơ sở của nó là “vạn vật có linh nghiệm”, tưởng như vô hình mà là hữu hình, tưởng trừu tượng mà vẫn có cái cụ thể con người chưa tiếp cận được. Đối tượng của sự sùng bái, mê tín là thần linh, sức mạnh siêu nhiên.
Có người còn cho rằng thần linh nếu được ánh sáng khoa học chiếu rọi thì cũng là những lực lượng hữu hình, có tác động đến thế giới vật chất mà con người đang sống. Đặc biệt, họ còn cho rằng: Trong đời sống hàng ngày vẫn có những người có thể thông tường và có mối liên hệ đặc biệt đa dạng với thần linh.
Một trong những biểu hiện mê tín của con người là tin vào điềm báo. Có câu chuyện như sau:
Một chính khách phương Tây sắp dự một buổi gặp gỡ để bàn về quan hệ hai nước trong cuộc chiến có thể xảy ra. Đêm trước cuộc gặp ông nằm mơ thấy mình đi giữa hoang mạc cô đơn, có một người không rõ mặt níu áo ông lại và lắc đầu mãi. Sáng sớm hôm sau vị chính khách kể chuyện lại cho người bạn thân nghe, ông này nêu thuyết “vạn vật có linh nghiệm”, phân tích:
- Anh đi giữa hoang mạc là anh ngồi vào bàn đàm phán tay đôi, ngoài hai chính khách do hai nước ủy nhiệm, không được bất cứ một ai có mặt tại đó. Điều đó có lợi cho anh. Anh đơn độc trơ trụi vì anh cần thương lượng hơn đối phương. Còn như có người níu áo lại mà không rõ mặt, theo tôi có lẽ là người của chúng ta đang ở trong hàng ngũ đối phương, hiểu rõ được nội tình của đối phương trong cuộc đàm phán này muốn anh nên trì hoãn cuộc đàm phán và chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Quả nhiên, sự việc thực tế đã xảy ra đúng như thế. Nếu hôm đó nhà chính khách đến bàn đàm phán thì sẽ bị đối phương gây khó khăn, tình hình diễn ra xấu, ông còn có thể bị bắt làm con tin, cuộc đàm phán sẽ không thành, sau đó đối phương sẽ tấn công quy mô vào đất nước của ông.
Nghe theo lời người bạn, nhà chính khách không dự đàm phán nên bảo toàn được tính mạng, quân đội của nước ông được chuẩn bị nên không hoang mang bị động trước cuộc tiến công như vũ bão của đối phương.
Ba năm sau, khi đã là một cán bộ cấp cao của Nhà nước, nhà chính khách này đọc lại hồ sơ lưu trữ ở Bộ Ngoại giao về vụ tấn công của nước đối phương và cuộc đàm phán không thành trước đó. Có một chi tiết khiến ông chú ý là nước đối phương trước khi tấn công đã phát hiện ra một số điệp viên của nước ông và thủ tiêu họ, con số điệp viên hy sinh là 9 người. Nhà chính khách đến Cục Tình báo yêu cầu họ báo cáo lại chuyện cũ.
Trong chín bức ảnh của điệp viên đã hy sinh ông nhận ra ngay dáng hình của người đã xua tay lắc đầu với ông trong giấc mơ năm nào. Chàng thanh niên trong ảnh thật cương nghị, đáng yêu. Nhà chính khách cảm động khóc và nói với những người đứng xung quanh: “Anh ta đã cứu tôi, tôi không bao giờ quên anh!” Hỏi lại ngày chàng thanh niên bị sát hại thì thấy cách đêm ông nằm mộng hai ngày.
Đó là câu chuyện có thực. Nên giải thích như thế nào? Thật khó. Nếu theo thuyết “vạn vật có linh nghiệm” thì đây là việc làm theo linh cảm giữa người sống và người chết, các nhà khoa học gọi đây là “thông tin linh cảm của con người với con người”. Tuy là một hiện tượng mang đậm chất thần bí, có thể là ngẫu nhiên, nhưng cũøng là một hiện tượng sinh lý kết hợp với tâm lý chưa giải thích được trong thời điểm đó.
Các bộ tộc thiểu số của nước Trung Hoa ở vùng biên cương Tây Nam thời cổ còn sinh hoạt mông muội, có nhiều tập tục mê tín, thậm chí cực đoan. Họ cho rằng, có những người luôn “bám chặt” trần thế, dù có chết đi, thể xác tan rữa thì linh hồn của họ vẫn biến thành ma quỷ.
Thứ ma quỷ này tìm diệt những ma quỷ có trước. Linh hồn này tiêu diệt linh hồn kia. Nếu nằm mơ thấy một con người và một con vật thì con người chính là linh hồn “bám chặt” sẽ tìm cách diệt linh hồn con vật.
Có một số bộ tộc sống ở vùng phía Tây Tây Tạng giáp ranh với Ấn Độ cho rằng, con người hiện ra trong giấc mơ là do khi chết, linh hồn của họ đã rời bỏ thể xác.
Tại sao khi ngủ có lúc người ta nằm mơ, có lúc không? Người xưa cho rằng, cần báo việc gì thì mới xuất hiện giấc mơ. Khi phiêu diêu bên ngoài, gặp các quái vật thì linh hồn gây nên các giấc mơ khác lạ, thường trái ngược với trần thế.
Người ta cho rằng: Nếu nằm mơ thấy gươm đao thì có điềm tốt, vợ sau này sẽ sinh con trai và con trai sẽ làm nên sự nghiệp.
Nằm mơ thấy người nấu cơm thì sẽ sinh con gái. Nằm mơ thấy vào vườn dưa, hái nhiều dưa cho vào giỏ mang về là điềm xấu.
Nằm mơ thấy mặt trời rơi là bị mất chức.
Nằm mơ thấy răng gãy là ốm nặng.
Nằm mơ thấy uống rượu ăn thịt là cãi cọ, xô xát, đến cửa quan kiện tụng.
Nằm mơ thấy mưa to gió lớn hoặc gặp gỡ đàn bà đẹp là sẽ gặp tai họa.
Nằm mơ thấy ca hát là cãi cọ với người khác.
Nằm mơ thấy đi đại tiện, thấy rắn cuộn khúc là hao tài.
Nằm mơ thấy người chết hoặc mình chết là có phúc, sống lâu.
Một số bộ tộc khác ở Trung Hoa lại cho rằng con người có ba thứ linh hồn:
- Linh hồn sinh mệnh.
- Linh hồn đổi đời.
- Linh hồn tư tưởng.
Trong ba thứ, linh hồn tư tưởng làm cho con người có được cảm giác và tư tưởng, còn linh hồn đổi đời lại đầu thai vào kiếp sau để nhập vào thể xác mới.
Khi ngủ, năm giác quan không có tri giác, thể xác không hoạt động, vì thế người ta thường nói “ngủ như chết”.
Theo quan niệm của người phương Đông xưa, sở dĩ con người nằm mơ, có thể đi nơi này nơi khác là do linh hồn thoát xác, nhẹ bỗng phiêu diêu. Lúc đó linh hồn của người nằm ngủ không còn gắn với thể xác mà đi nơi này nơi khác, linh hồn gặp nhiều người, nhiều sự vật và đương nhiên gặp cả người thân đã qua đời.
Chuyện tiếp xúc gặp gỡ giữa linh hồn người đang ngủ và người đã chết không có gì lạ, đây là hiện tượng “mộng du” thường được nhắc đến.
Trong giấc mơ, linh hồn của người đang nằm ngủ có lúc gặp gỡ thần linh, tổ tiên, bạn bè đã qua đời, và như thế không ai ngăn cản họ trao đổi với nhau những gì họ muốn và họ biết. Có những linh hồn của người đã chết lo sợ cho người còn ở trên trần thế nên đã báo trước tai nạn để người đó tránh như trường hợp vị chính khách nọ với người tình báo viên đã mất.
Từ thế kỷ thứ V, ở phương Đông, đặc biệt là ở Trung Hoa, việc tin vào các giấc mơ dự báo điềm lành dữ rất phổ biến. Triều đình, dân chúng đều bàn đến mộng triệu, “điềm lành dữ thấy trong giấc mơ”.
* Ví dụ, các giấc mơ báo điềm lành:
- Mơ thấy uống rượu, được tiền là đi săn được nhiều thú.
- Mơ thấy người chết nhập quan tài nhất định sẽ đánh ngã dã thú.
* Các giấc mơ báo điềm dữ:
- Nằm mơ thấy gấu đen báo trước sẽ gặp tai nạn, nếu không phải là người trong nhà chết thì cũng là người thân thuộc chết.
- Nằm mơ thấy cưỡi ngựa đi ra đường là điềm báo trước đi săn trở về tay không. Như vậy nội dung báo trước của các giấc mơ thường gắn với đời sống xã hội.
Ở thế kỷ thứ V không thể mơ thấy ô tô, máy bay, ngược lại, đời nay hiếm người mơ thấy đi săn bằng cung tên. Như vậy có thể nói, những điềm báo của các giấc mơ liên quan với các phương thức tư duy của con người.
Hầu hết các bộ tộc ở phương Đông và các vùng có lãnh chúa ở phương Tây, nông nô cũng như dân đều có quan niệm về linh hồn. Cách giải thích về linh hồn của họ rất giống nhau. Khi giải thích tại sao người ta lại nằm mơ, họ đều cho rằng con người trong khi ngủ, linh hồn rời thể xác, phiêu diêu, gặp rất nhiều thứ. Và tại sao linh hồn của người đang ngủ lại có thể gặp được linh hồn người đã chết? Họ cho rằng thể xác tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại.
Quan niệm này của người phương Đông cũng giống người phương Tây. Nhà viết kịch nước Anh - Shakespeare trong vở kịch nổi tiếng Hamlet đã xây dựng bóng hình vua cha bị sát hại về báo mộng cho Hamlet.
Trong tác phẩm Cửu Chương, Sở Từ Trung Hoa cổ đại có viết:
“Nằm mộng lên trời giữa đường hồn chẳng có chỗ trú đẹp”.
Nếu đem phân tích kỹ câu này thì thấy: Trong giấc mơ, hồn đi nơi này nơi khác.
Trong Trường môn phú của Tư Mã Tương Như - một văn nhân đời Tây Hán có viết: “Hốt Nhiên nằm ngủ mà có giấc mơ, linh hồn của nàng ở bên cạnh mình” cũng nói tới giấc mơ và linh hồn: Lấy giấc mơ mà cảm thụ linh hồn. Từ đó có thể thấy: Trung Hoa cổ đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm linh hồn và các giấc mơ.
Trong sách Xuân Thu phồn lộ của Đổng Trọng Thư có viết: “Trời là vua của trăm vị thần. Mà vua ở trần gian là Thiên tử (con Trời)”. Giai cấp thống trị đã tạo ra nhiều giấc mơ để chứng minh bản thân vua chúa là con trời, được trời giao mệnh.
GIẤC MƠ CON CÁO TRẮNG 9 ĐUÔI
Sách Ngô Việt Xuân Thu viết:
Ba mươi tuổi rồi mà Hạ Vũ vẫn chưa lấy vợ. Sợ muộn sẽ vi phạm luật tế lễ, ông nói:
- Nếu tôi lấy vợ sẽ mơ thấy gì?
Ít lâu sau Hạ Vũ nằm mơ thấy một con cáo trắng chín đuôi đến trước mặt. Vũ nghĩ: Màu trắng là màu quần áo của ta, 9 đuôi là điềm báo sẽ làm vua. Giấc mơ dự báo Vũ sẽ lên ngôi vua.
LƯU BANG LÀ GIỐNG CỦA RỒNG
Sử ký có ghi: Mẹ Lưu Bang nghỉ cạnh đầm lớn, thiếp ngủ nằm mơ thấy trời sấm sét, mưa to, chớp sáng, giao long phủ lên người, sau có mang, sinh ra Lưu Bang.
MƠ THẤY CÀNH LAN
Tả truyện chép: “Thời Xuân Thu, thiếp yêu của Trịnh Văn Công là Yến Cơ, nằm mơ thấy sứ giả nhà trời cho lan, có mang sinh ra Trịnh Mục Công.
NẰM MƠ BÁO ĐIỀM LÀM HOÀNG ĐẾ
Nam Tề thư chép:
Vào đời Tống - Nam triều, năm 13 tuổi, Tiêu Đạo Thành nằm mơ thấy có người khoác chiếc áo lông chim công bay lượn ở trên. Từ trên trời có con chim phượng hoàng sà xuống đậu trước mặt Tiêu Đạo Thành, hai cánh xòe rộng hơn 10 trượng, dưới cánh có khí của mây tím. Đấy là điềm báo làm đế vương.
Quả nhiên, về sau, khi nhà Tề thay thế nhà Tống, Tiêu Đạo Thành 42 tuổi làm hoàng đế, tự là Tề Cao Đế.
NẰM MƠ THẤY CƯỠI RỒNG XANH
Cũng sách Nam Tề thư chép:
Năm 17 tuổi Tiêu Đạo Thành nằm mơ thấy mình cưỡi rồng xanh đuổi theo mặt trời, đến khi mặt trời lặn khuất sau núi. Tỉnh dậy, Tiêu lo sợ. Cuối cùng tìm người đoán giải mơ được giải thích:
- Điều này rất quý.
Một người khác nói:
- Xanh là màu sắc gốc, chiều tối là điềm triều Tống cáo chung.
GIẤC MƠ LÀM CON THƯỢNG ĐẾ
Cũng theo Nam Tề thư chép:
Thôi Linh Vận, người ở Thanh Sa, thời Nam Tề nhậm chức Thượng phủ tham quân. Một hôm, Thôi Linh Vận nằm mơ thấy Thượng đế nói với ông: “Tiêu Đạo Thành là con thứ 19 của ta, năm ngoái ta đã cho nó lên ngôi thiên tử”. Từ Tam hoàng, Ngũ đế đến Tiêu Đạo Thành tính ra có 19 vua nối tiếp nhau.
Các giấc mơ kể trên đều được ghi trong sách vở. Trong chính sử cũng có nhiều câu chuyện tương tự. Đấy là quan niệm số trời hỗ trợ cho việc lên ngôi, động cơ của các giấc mơ rất rõ rệt.
Làm chính trị, giai cấp phong kiến phải thi hành nhiều thủ đoạn để đạt được mục đích thống trị. Thuyết “định mệnh” thịnh hành trong xã hội cũ được giai cấp thống trị lợi dụng triệt để.
Các thầy giải đoán các giấc mơ đều đưa ra các điều lành dữ, phúc và họa để tuyên truyền cho thuyết “định mệnh”: Một khi trời đã định cho mệnh rồi, người trần thế chỉ biết tuân theo.
Thực tế, giai cấp thống trị muốn mọi người phục tùng và chấp nhận sự áp bức bóc lột của chúng.
GIẤC MƠ KỲ LẠ
Hậu Hán Thư có ghi chép:
Đời Đông Hán, vợ của quan thái thú Vũ Uy có mang, đêm ngủ nằm mơ thấy mình mang đai áo của chồng nhảy lên thành ca hát.
Có người đoán: “Thế nào cũng sinh con trai, làm việc nước được lên vọng lâu của thành”.
Quả nhiên bà sinh con trai. Sau này đứa con cũng như cha, làm thái thú. Nhưng Vũ Uy vì giết quan Trấn thủ thành Kinh Châu nên bị quân trong thành vây kín, sợ bị nhục nên đã tự sát. Giấc mơ ứng nghiệm.
BÁO TANG TỪ NGHÌN DẶM
Thời Đông Hán có người tên là Phạm Thức, người ở Kim Hương - Sơn Dương, khi còn là Thái học sinh kết bạn với Trương Chiêu ở Nhữ Nam.
Có lần chia tay, Phạm Thức nói với Trương Chiêu: “Ngày này hai năm sau tôi sẽ đến thăm anh!”
Về sau, Trương Chiêu ốm nặng sắp mất, hai người bạn thân ở gần đến thăm, ông trối trăn:
“Tiếc là tôi không được gặp mặt Phạm Thức lần cuối. Hai anh là bạn học ở gần tôi, nhưng Phạm Thức là người bạn sống chết của tôi.”
Được ít ngày, Trương Chiêu lìa đời. Cách xa nghìn dặm Phạm Thức nằm mơ thấy Trương Chiêu nói với mình: “Anh Phạm Thức, tôi đã chết, mãi mãi về với suối vàng, anh đừng quên tôi nhé. Tôi chết ngày... anh làm sao về dự lễ tang tôi được?”
Phạm Thức tỉnh giấc, nước mắt đầm đìa vội vàng lên ngựa đến đám tang. Lúc đó Trương Chiêu đang được hạ huyệt nhưng không hiểu vì lẽ gì quan tài không hạ được. Khi Phạm Thức đến, kịp đưa tay vào mới hạ được quan tài.
NẰM MƠ THẤY VOI
Tấn thư có ghi chép:
Trương Mậu đời Tấn lúc còn trẻ, nằm mơ thấy một con voi rất to. Ông đến hỏi Vạn Thôi nhờ đoán giải giấc mơ. Vạn Thôi nói:
- Ông sẽ là quan đứng đầu một quận lớn, nhưng kết cục chẳng làm được việc gì.
Trương Mậu hỏi Vạn Thôi:
- Tại sao thế?
Vạn Thôi trả lời:
- Voi là một loại thú lớn, tức là ông là người đứng đầu một quận. Con voi gặp nạn, bị người muốn lấy ngà sát hại, ông cũng thế. Cuộc đời Trương Mậu đúng như lời Vạn Thôi.
NẰM MƠ TỤNG KINH
Tống thư có ghi chép:
Đời Tống - Nam triều có Vương Huyền Mạc làm tướng ở Ninh Sóc - Thái Nguyên. Ông đem quân lên phương Bắc chinh phạt, bị thất bại, quân lính tan tác. Chủ tướng chiếu quân pháp đem chém đầu. Đêm trước khi bị xử trảm, Huyền Mạc nằm mơ thấy có người báo cho biết:
- Cứ tụng kinh Quân Âm một nghìn lần, tai họa sẽ tránh được.
Huyền Mạc tỉnh lại, cứ theo lời người trong giấc mơ mà tụng kinh, lúc sắp bị đem chém đầu vẫn không ngừng. Đúng lúc đó bỗng nhiên có lệnh trên ban xuống, ngừng xử trảm. Sau đó không lâu, Huyền Mạc đã lập công chuộc tội.
MƠ THẤY DƯỚI NÁCH MỌC CÁNH
Theo Nam Tề thư, đời Lưu Tống - Nam triều, Tiêu Đạo Thành ở Hoài Nam có thuộc hạ là Tuân Bá Ngọc ở Quảng Lăng. Một đêm, Tuân Bá Ngọc nằm mơ thấy mình lên lầu phía Nam thành Quảng Lăng, có hai tiểu đồng mặc áo xanh nói với Bá Ngọc:
- “Thảo trung tiên” có nghĩa là tiên ở trong cỏ, tiên đây là Tiêu Đạo Thành. Tiếc là phải có thời gian mới đuổi hết giặc.
Mấy năm sau Bá Ngọc lại mơ thấy Tiêu Đạo Thành dưới hai nách có mọc cánh, nhưng không duỗi ra được. Bá Ngọc hỏi Tiêu Đạo Thành:
- Bao giờ ông có thể giương cánh bay lên?
Tiêu Đạo Thành nói:
- Ba năm nữa.
Như lời trong giấc mơ, Tiêu Đạo Thành phế truất hoàng đế Lưu Tông, lên ngôi vua.
ĐIỀM BÁO SỐNG CHẾT TRONG GIẤC MƠ
Theo Lương thư ghi chép:
Thời Nam Lương, Giản Văn Đế bị thừa tướng Hầu Cảnh giam cầm. Một hôm Giản Văn Đế nói với những người theo hầu:
- Tối qua ta nằm mơ thấy ăn đất, không biết là điềm gì?
Những người theo hầu nói:
- Ngày xưa Trùng Nhĩ được người tặng đất, về sau lên ngôi là Tấn Vương. Nay giấc mơ của bệ hạ cũng báo điềm tương tự. Không lâu sau, bộ tướng của Hầu Cảnh là Vương Vĩ dâng rượu cho Giản Văn Đế. Hắn nói:
- Thừa tướng Hầu Cảnh thấy bệ hạ buồn đã lâu nên phái chúng tôi đến đây dâng rượu chúc thọ.
Giản Văn Đế nói:
- Rượu mừng thọ, rượu hết thọ.
Vương Vĩ cũng ngồi uống với Giản Văn Đế. Văn Đế biết không thể cưỡng được nên chủ tâm uống thật say tránh đau đớn. Sau khi thấy Văn Đế thực sự say mềm, Vương Vĩ cùng bọn tay chân nhét đất thó vào miệng Văn Đế cho đến chết.
Điềm báo trong giấc mơ của Giản Văn Đế thật linh nghiệm.
VINH NHỤC NHƯ GIẤC MƠ
Theo Lương thư ghi chép:
Bào Tuyền, người Đông Hải, thời Nam Lương đọc rất nhiều sách, có tác phong văn nhân. Lúc còn trẻ theo hầu Tiêu Giáng. Sau đó Tiêu Giáng lên ngôi là Lương Nguyên Đế, Bào Tuyền được hoàng đế ưu ái quý trọng.
Bào Tuyền được nhận chức Đô đốc ở Nam Thảo, bạn thân của ông nằm mơ thấy ông phạm tội với Lương Nguyên Đế. Tỉnh dậy, người bạn nói với Bào Tuyền:
- Này hiền huynh, ngu đệ nằm mơ thấy huynh sẽ bị hoàng đế bắt tội, giam trong ngục.
Quả nhiên đúng như vậy. Thế rồi người bạn của Bào Tuyền lại nằm mơ thấy Bào Tuyền mặc áo đỏ đi trên nước, báo cho Bào Tuyền biết. Người giải giấc mơ nói với Bào Tuyền:
- Ông đừng lo lắng, sẽ được miễn tội đấy!
Ít lâu sau, Nguyên Đế miễn tội cho Bào Tuyền và phục chức cho ông.
NẰM MƠ THẤY CƯỠI CHIM ĐẠI BÀNG
Tống sử ghi chép:
Thẩm Hối, đời Tống lên tỉnh dự thi, đi đến đường Thiên Trường nằm mơ thấy mình cưỡi đại bàng bay bổng trên trời, bèn viết bài Phú Chim Bằng để ghi lại sự việc này.
Sau đó không lâu quả nhiên Thẩm Hối chiếm bảng vàng Trạng nguyên.
BAN THƯỞNG CHO NGƯỜI TRONG MƠ
Theo Ngũ Đại sử, sau khi Đường Minh Tông lên ngôi đêm đó nằm mơ thấy có người dáng hình thanh tú hình như đã quen biết, ông hỏi:
- Ông có phải là con trai của chủ trại họ La không?
Tỉnh giấc mơ Đường Minh Tông sai quan hầu đi dò xem con trai người họ La làm việc ở đâu. Tìm được con trai người họ La, quả như người mà hoàng đế Đường Minh Tông thấy trong giấc mơ. Hoàng đế nói:
- Ta không muốn thấy cảnh con cháu của một vị công thần đã từ lâu không có đất đai tài sản.
Sau đó Đường Minh Tông ban cho La Chu Kính làm tiết độ sứ Đồng Châu, Thái bảo hiểm hiệu.
NẰM MƠ THẤY CÁ ĐƯỢC NGỌC
Tam Tần ký có ghi chép:
Một hôm Hán Vũ Đế nằm mơ thấy một con cá mắc phải lưỡi câu ông buông xuống, xin ông thả cho sống.
Tỉnh giấc mơ, Hán Vũ Đế cứ lưu lại hình ảnh khó quên đó. Hôm sau, hoàng đế đi chơi quanh hồ, thấy một con cá ngậm lưỡi câu nơi miệng, lưỡi câu còn dính cả dây lòng thòng. Đúng là concá ông đã thấy trong giấc mơ ngày hôm trước, Hán Vũ Đế bắt cá lên, gỡ lưỡi câu nơi miệng cá.
QUỶ TRÁNH NGƯỜI LƯƠNG THIỆN
Lương thư có ghi chép:
Thời Nam Lương có người tên là Phó Chiên, còn nhỏ đã có chí lớn, năm Thiên Giám thứ 11 (512) nhậm chức nội sử An Thành, tướng quân Tây Vũ. Đất An Thành từ đời Lưu Tông đến lúc đó là đất binh đao, người chết đầy đường, nhà cửa trong thành như có quỷ ma quấy đảo.
Khi Phó Chiên đến nhậm chức, dân An Thành có người nằm mơ thấy binh mã khí giới rất nhiều, lại nghe có người nói: “Tránh người lương thiện, quân lính quần đảo liên tục nhưng không dám đụng người.” Tỉnh giấc, thấy người đi lánh nạn trở về thành rất nhiều trong mưa to gió lớn, ở những ngôi nhà bị đổ nát, quân lính tập trung đúng như cảnh thấy trong mơ.
Từ lúc Phó Chiên đến An Thành nhậm chức, trong quận bình yên, ở các nhà không có náo động nữa, nhiều người thời bấy giờ cho rằng Phó Chiên là người chính trực nên ma quỷ phải tránh.
ĐÀO HOẰNG CẢNH VỚI TẬP SÁCH “MỘNG KÝ”
Lương thư có ghi chép:
Thời Nam Lương có Đào Hoằng Cảnh, người đất Đan Dương cao 7 thước 4 tấc, khôi ngô tuấn tú, mắt sáng, mi xanh, tai to.
Đào Hoằng Cảnh là người học hành tài giỏi hơn người, về sau từ quan về ẩn cư tại núi sâu. Ông đã theo sư phụ Tôn Du Nhạc người Đông Dương học binh pháp. Hoằng Cảnh là người khiêm tốn, tử tế với mọi người, là người hiền thời Nam Tề.
Lúc bấy giờ Nghi đô vương Tiên Kiên bị Chinh Đế sát hại, đêm đó Hoằng Cảnh nằm mơ thấy Tiên Kiên đến từ biệt, vì thế Hoằng Cảnh có dịp liên hệ với Tiên Kiên thăm hỏi việc dưới âm nên biết được nhiều chuyện bí mật kỳ lạ, ông đã soạn ra bộ sách Mộng ký.
Đào Hoằng Cảnh lại nằm mơ thấy Phật tổ ban cho “Bồ Đề ký” và mệnh danh là Thắng Lực Bồ Tát. Thế rồi Hoằng Cảnh đến A Dục Vương tháp cắt tóc xuất gia đi tu, đắc đạo, sống đến 85 tuổi.
ĐÊM MƠ THẤY BÚT THẦN
Ngũ Đại sử có ghi chép:
Thời Hậu Chu có một người tên là Duệ Tôn. Một hôm Duệ Tôn có việc về kinh, dọc đường trọ ở La Điếm. La Điếm có miếu La Thần. Duệ Tôn đêm nằm mơ thấy được thần tiên đến hậu đãi. La Thần cho Duệ Tôn hai chiếc bút lông, một to, một nhỏ. Tỉnh giấc, Duệ Tôn thấy hết sức kỳ lạ. Về sau Duệ Tôn được phong Hàn lâm học sĩ, cho rằng đây là ứng với điềm giấc mơ La Thần báo.
Khi Duệ Tôn được thăng quan, ông nói với mọi người:
- Đây là sự hiển linh của hai cây bút.
Khi ông đến tỉnh nhậm chức Trung thư, viên lại dưới trướng nâng hai cây bút nho, một lớn,một bé. Hai cây bút rất giống trong giấc mơ.
MƠ THẤY CÔ GÁI
Xuân Chư kỷ văn có chép:
Cao Thị người đất Phù Ly đời Tống, năm 20 tuổi vì đẻ khó mà chết. Cha là Triều Nghị vô cùng thương nhớ.
Một hôm, Triều Nghị nằm mơ thấy con gái nói với ông:
- Ngày nay con không cần gì cả, chỉ muốn cha nhờ người vẽ cho con một bức chân dung rồi nhờ các vị tăng ở gần nhà ta dán chân dung của con lên quả chuông trong chùa, tặng nhiều tiền cho người đánh chuông, để sáng sớm đánh chuông, nhắc nhở tên con, cầu chúc cho con. Chờ đến khi nào bức chân dung rơi xuống mà hình vẽ con lại không bị tổn thương, đó là điềm báo con đã siêu sinh.
Tỉnh giấc, Triều Nghị vội nói cho người nhà biết rồi mời thợ vẽ và các vị tăng ở chùa gần nhà làm mọi việc như đã thấy trong mơ.
Mấy tháng sau, Triều Nghị lại mơ thấy con gái mặc áo đỏ, đầu đội mũ quý, nói với ông:
- Cảm ơn công đức của cha, con gái đã được lên trời.
Triều Nghị vừa tỉnh giấc đã nghe thấy có người gõ cửa. Mở cửa ông thấy mấy vị tăng cho xem bức chân dung rơi xuống còn nguyên vẹn.
RÙA BÁO ƠN TRONG GIẤC MƠ
Hồ Hải tân văn tiền tập có ghi chép:
Đời Nguyên, ở An Phúc Châu có một vị tăng chưa xuất gia, thấy giữa ngực rùa đá trước cửa miếu có một búi cỏ, bèn nói:
- Để búi cỏ làm gì, chờ ta tìm lửa đốt sạch hộ ngươi.
Đêm đó vị tăng nằm mơ thấy rùa đá bảo ông:
- Bên ngoài sân là một con sông lớn, có một vực sâu, Long Vương ở đó. Tôi là quan nhỏ, thủ hạ của Long Vương. Trên bàn của Long Vương có Cảm Long Kinh và Cảm Long Xích, đợi đến mai tôi sẽ lấy trộm cho ông mượn để đền ơn ông đã giúp tôi đốt nhúm cỏ trước ngực.
Quả nhiên, hôm sau vị tăng nọ được rùa đá cho kinh sách và thước.
Vị tăng học kinh sách biết phép thần xem đất cát rất giỏi, được gọi là thần tăng.
CHU NGUYÊN CHƯƠNG ĐỐI THOẠI VỚI QUAN CÔNG TRONG GIẤC MƠ
Đầu đời Minh, Chu Nguyên Chương đã tu tạo 10 ngôi miếu ở Nam Kinh, riêng miếu Quan Công là chưa tu sửa.
Một đêm nọ, Chu Nguyên Chương mơ thấy Quan Công mặt đỏ áo xanh, tay cầm đại đao quỳ lạy nói:
- Thần là Hán Thọ Đình Hầu Quan Vũ, bệ hạ xây miếu sao quên miếu của thần.
Chu Nguyên Chương nói:
- Khanh không có công với nước, không làm được.
Quan Công nói:
- Trong trận đánh Phiên Dương (thuộc tỉnh Giang Tây) thần đã cử 10 vạn âm binh giúp bệ hạ, sao lại nói là không có công?
Chu Nguyên Chương gật đầu nói:
- Đúng.
Tỉnh dậy, Chu Nguyên Chương lập tức hạ lệnh xây một ngôi miếu, trong ba ngày đã xong.
QUỶ SỢ QUAN
Giữa niên hiệu Chính Thống, đời hoàng đế Minh Anh Tông (l436 - l450), có người là Lý Dụ, lúc còn là học sinh sống phóng khoáng, không chịu gò bó.
Mùa xuân năm đó, ở quê ông bà ngoại Lý Dụ bị ốm nằm trên giường. Ông ngoại kể:
- Tối hôm trước ông nằm mơ thấy bọn quỷ bàn riêng với nhau: “Ngày mai có thượng thư bộ Lại đến, chúng ta phải lánh đi”. Một con quỷ nói: “Hãy trốn lên giường trên gác bếp bỏ trống ít ngày”.
Hôm sau thấy Lý Dụ về thăm quê, họ hàng bên ngoại mừng rỡ, mời Lý Dụ viết mấy tờ giấy trên có dòng chữ:
“Lại bộ Thượng thư niêm phong”.
Lý Dụ ngạc nhiên, không biết có chuyện gì nên không dám viết. Ông ngoại ra lệnh hai, ba lần Lý Dụ mới viết rồi đem dán trên gác bếp, vứt chiếc giường ra ngoài.
Sau khi Lý Dụ đi, ông bà ngoại đều khỏi bệnh. Quả nhiên về sau Lý Dụ thi đỗ Tiến sĩ, một thời gian được thăng Thượng thư bộ Lại.
PHẬT QUAN ÂM BÁO MỘNG
Giả sử Đại Quan có ghi chép:
Năm Gia Tĩnh đời Minh, Kinh Vương nằm mơ thấy có người nói với ông:
Vá quần áo cho ta, ta sẽ phù hộ cho con cháu của nhà ngươi.
Kinh Vương nói:
- Người là ai?
Người kia nói:
- Hãy mở mắt ra mà nhìn, vểnh tai lên mà nghe sẽ biết!
Khi Kinh Vương tỉnh dậy không biết như vậy là có ý gì?
Một hôm, nhìn bức họa thấy hình Phật Quan Âm, Kinh Vương hiểu được lời nói “mở mắt mà nhìn, vểnh tai mà nghe”.
Phủ Kinh Vương ở bên cạnh Quan Âm các, nhìn sang thì thấy Quan Âm các cột bị gãy, tượng bị gió mưa làm cho rơi xuống, Kinh Vương liền ra lệnh cho quân lính tu sửa, lập bia thờ.
Viết bình luận