Phương pháp phân tích giấc mơ trực tiếp qua liên tưởng

Trong các giấc mơ, hình tượng hiện lên khá rõ, người nằm mơ tưởng như mình đang sống trong cõi thế. Người nằm mơ có lúc nhớ rõ như in. Hình tượng nào trong giấc mơ cũng có liên hệ với những sự việc của con người.

Người đoán mộng căn cứ vào lời kể lại của người nằm mơ, liên tưởng đến sự việc của cuộc đời thực rồi dự báo.

Vì thực và mơ có mối quan hệ với nhau nên phương pháp giải thích trực tiếp này rất đơn giản. Có những người nằm mơ có thể tự mình giải đoán được.

Ủy Tâm Tử, tác giả cuốn sách Phân môn các loại sự việc cổ kim đã ghi chép một số câu chuyện giải thích trực tiếp các giấc mơ.

Đó là những câu chuyện có thể là truyền thuyết, cũng có thể là có thực, cung cấp cho chúng ta những tư liệu để lý giải vấn đề.

CHU CẦN NGỦ NGÀY

Đầu đời Tấn, Tấn đem quân phạt Ngô, lúc công đồn phá thành bỗng phát hiện trong quân không có Giả Sung. Lúc đó Đô đốc Chu Cần đang ngủ giữa ban ngày nằm mơ thấy hơn 100 người đi tìm Giả Sung đưa về. Thức giấc nghe tin mất Giả Sung, Chu Cần bèn nhớ lại con đường mà trong mơ thấy bắt được Giả Sung, liền sai quân đến nơi, quả nhiên thấy Giả Sung.

TRƯƠNG THỐC CƯỠI LỪA

Lúc còn nhỏ, Trương Thốc nằm mơ thấy một con chim lớn, lông màu tím (một trong năm màu sắc quý) đến đậu trước sân. Trương Thốc báo cho ông nội biết, ông nói: “Đó là điềm lành”.

Trương Thốc nằm mơ thấy con chim lông tím

Chim phượng có nhiều loài, nhiều màu lông.

- Màu đỏ là loài văn chương.

- Màu xanh là chim Loan.

- Màu vàng là chim Uyển Đương.

- Màu tím là chim Loan Thốc. Loài chim này phò tá cho phượng hoàng.

Ông nội của Trương Thốc đoán cháu sẽ là người phò tá cho Đế vương.

Sau này Trương Thốc đỗ Tiến sĩ, làm quan phò tá thân cận cho Kỳ vương.

Trong một giấc mơ khác, Trương Thốc thấy mình cưỡi lừa, mặc áo màu đỏ thẫm. Trong thực tế ông mặc áo màu xanh, cưỡi ngựa.

Sau đó Trương Thốc được vua ban chức Hồng lô khanh thì ứng với cưỡi lừa (Lô hay lư là con lừa). Quan ngũ phẩm thì cưỡi lừa.

LƯU ĐÀN ĐỔI TÊN

Lưu Đàn là Viên ngoại lang nước Thục, vốn tên là Thẩm Nghĩa, một lần nằm mơ thấy có người dẫn đến bên cây đàn hương, bảo: “Trèo lên nhanh!”. Thẩm Nghĩa trèo lên, người đó lại ném vào người ông chiếc áo màu đỏ bảo mặc vào. Sau khi ngủ dậy Thẩm Nghĩa bèn đổi tên thành Lưu Đàn. Chưa đầy một năm sau Đỗ Bình Sự là quan Quận mục (một chức quan ở quận) được sung chức Phó quan, hàm Trung thị ngự sử trong triều, vua ban áo đỏ. Đỗ lo lắng không làm được bèn tiến cử Lưu Đàn, tâu lên triều đình rằng Đỗ và Đàn đức tài ngang nhau. Lưu Đàn thì cho rằng mình không có khả năng. Đỗ vẫn trao cho Lưu Đàn một chiếc áo đỏ mới. Chiếc áo đúng như chiếc áo đỏ mà người trong giấc mơ ném cho Thẩm Nghĩa. ( Câu chuyện này được ghi chép trong Thục Dị ký).

NẰM MƠ THẤY ĐƯỢC THĂNG QUAN

Ngưu Hy Tế làm quan Ngự sử nước Thục, tài văn chương hơn người. Lúc còn trẻ ông không ra khỏi học viện, học để thi thố tài năng. Một lần ông nằm mơ thấy có người nói:
Lang quân chưa có khoa danh, 45 tuổi mới có lộc quan!

Ngưu Hy Tế thức giấc thấy rất lạ lùng. Về sau, gặp buổi loạn lạc ông đến nước Thục ở nhờ ông chú là Ngưu Kiều. Ông vốn thẳng tính, luôn phê phán ông chú rượu chè bê tha. Trôi nổi hết nơi này đến nơi khác, 10 năm mà cuộc sống của Ngưu vẫn không có gì đổi thay.

Mãi sau này ông mới được bổ dụng làm Đại phu Ngự sử. Giấc mơ thật linh nghiệm. (Thành Đô ký chép)

LƯU VĨNH NẰM MƠ THẤY ĐI XEM BẢNG

Lưu Vĩnh nằm mơ thấy đi xem bảng

Lưu Vĩnh người nước Lưu nổi tiếng tài giỏi trong làng khoa giáp. Một lần ông nằm mơ thấy mình lên tỉnh để xem đi thi có đậu hay không?

Trong giấc mơ Lưu Vĩnh thấy mình trong dòng người đi xem bảng. Ông đã thấy và nghe nhiều việc, bản thân cũng hỏi người này người nọ có đậu hay không? Những người trong giấc mơ trả lời rành rọt.

Mấy ngày sau, Lưu Vĩnh đến tận trường xem bảng, những điều ông nghe người ta nói trong giấc mơ đúng như điều viết trên bảng.

TẬP THẬM ĐƯỢC THƠ

Tập Thậm giữ chức quan hàm Lang trung nên còn gọi là Tập Lang trung, người Nhuận Châu.

Lúc còn là học trò lên kinh đô dự thi, Tập Thậm gặp cha, hai cha con vui mừng khôn xiết, cùng lên đường. Đêm đó người cha nằm mơ thấy người quen là Trương Tề Hiền nói:

- Ta cho ông một bài thơ thất ngôn, nội dung: “Triều đình chuyện văn thơ thật buồn. Cớ sao người nghèo gặp nhiều điều phiền muộn. Cha thì thăng chức, con thì đậu cao giữa triều”.

Thức dậy đã canh tư, người cha gọi Tập Thậm đến bảo phải ghi nhớ lấy.

Mùa xuân đi thi, Tập Thậm thi hỏng, cha con ông cho rằng giấc mơ không ứng nghiệm.

Mùa thu năm đó, nhà Tập Thậm lại lập bàn thờ Trời cầu xin giải mộng. Mùa xuân năm sau người cha được thăng quan, vào làm trong triều; còn Tập Thậm thì được vua đọc bài thi khen giỏi, lấy đầu bảng. Như thế mọi điều trong giấc mơ đều thành sự thật. Ai cũng cho là rất thiêng.

Từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên đến thế kỷ X sau Công nguyên ở Trung Hoa, việc đoán các giấc mơ bằng phương pháp trực tiếp đã phổ biến và sớm hình thành lý luận. Vương Phù đời Đông Hán, tác giả tập sách Các giấc mơ đã nêu: “Phàm các giấc mơ, phải trực tiếp...”.

Thế nào là những giấc mơ trực tiếp? Vương Phù giải thích: “Các giấc mơ cách không xa với sự thực thì gọi là những giấc mơ trực tiếp”. Vương Phù còn đưa ra các ví dụ để chứng minh:

- Vũ Vương khi còn ở ấp Khương đã nằm mơ sau này mình sẽ làm hoàng đế, về sau đúng như điều giấc mơ đã báo.

- Trần Sĩ Nguyên người đời Minh trong sách Cảm biến thiên cho rằng giấc mơ trực tiếp là những “giấc mơ hợp”, nghĩa là sự thực phù hợp với mơ. Ông nói: “Nằm mơ thấy anh là thấy, tên Giáp là tên Giáp, nằm mơ thấy hươu là được hươu, thấy gạo là có gạo, nằm mơ thấy giết người thì giết người, đó là những giấc mơ hợp.”

Kết hợp với ý kiến của Ủy Tâm Tử, người đời Tống đã có nhiều ví dụ trong sách Phân loại sự cổ kim thì phương pháp đoán các giấc mơ trực tiếp là chuyện chẳng khó khăn.

Viết bình luận