Phù và Chú để hóa giải những điều hung

Mục lục nội dung

Muốn giải trừ các giấc mơ ác, người phương Đông dùng các phép thuật để chống lại là phù và chú.

1. Phù

Phù để giải trừ điềm ác

Thời cổ Trung Hoa người ta làm các thẻ tre dài, 2 thẻ ghép vào nhau gọi là Phù. Phù tượng trưng cho quyền uy tối cao.

Đào phù là loại phù bằng gỗ đào có xuất xứ như sau:

Tục lệ của người Trung Hoa thời cổ là ngày Tết cắm cành đào để xua đuổi ma quỷ, tà khí. Nơi làm việc của các quan lại đều cắm cành đào. Ngày đầu năm cắm cành đào trước công đường, cổng đình hoặc ở các ngã ba, ngã tư để trừ tà, giải các khí ác. Gỗ cây đào được cho là tiên mộc, bách quỷ đều sợ, nhiều nhà giàu dùng để làm nhà, nhất là làm các nhà thờ của dòng họ. Những bức tranh dán trên tường ngày Tết cũng có hình người ôm quả đào.

Lâu ngày tục lệ thành tập tục, đào trở thành vật tượng trưng cho quyền uy, nên có “đào phù” là loại phù bằng gỗ đào.

Trên “đào phù” có vẽ hai ông thần Tế theo truyền thuyết là Úc Lũy và Thần Đồ.

Nhà chính trị Vương An Thạch đời Tống có bài thơ Nguyên Đán đề cập đến quyền uy của cây đào.

Trong tiếng pháo nổ, một tuổi lại đi

Gió xuân ấm áp, uống rượu Đồ Tô(1)

Nghìn nhà, vạn hộ rạng rỡ

Đều đổi “phù” cũ bằng mảnh gỗ đào mới.

Mảnh gỗ đào mới có vẽ thần gác cửa ra vào. Về sau phù không nhất thiết phải dùng gỗ đào mà dùng các gỗ khác cũng được. Trên mảnh gỗ “phù” có viết nhiều chữ để cầu phúc, trừ hung, những từ đó ghép lại thành các câu trừ tà.

Vì thế ta thấy trên các mảnh phù có các dòng chữ vẽ ngoằn ngoèo, thần bí, muốn hiểu được phải giải mã. Có nhiều pháp sư biến những mảnh phù với lối viết chữ thảo thành một trò bịp đầy pháp lực.

Về sau người ta coi thứ chữ trên các mảnh phù huyền bí, kỳ dị kia là một hình thức trừ tà ma có uy lực, người thường không thể đọc được. Đương nhiên người giải thích phải là các pháp sư.

Thực ra những chữ ngoằn ngoèo viết trên các mảnh phù không có nội dung cụ thể. Mọi người rất sùng tín những mảnh phù, quan niệm rằng có nó ma quỷ sẽ sợ hãi, kiêng nể không dám lai vãng gây tác hại đến nơi ở của mọi người.

Tóm lại, thoạt kỳ thủy, những mảnh phù được tạo ra để gây lòng tin mê tín, rồi dần trở thành một vật thiêng. Những mảnh phù chẳng những dùng để dán trước nhà trong những ngày Tết mà còn được dùng vào lúc trong nhà xảy ra tai biến, xem đó như thần quyền biến và nhà ở của mình là “cấm địa”.

Phù có mối liên hệ với “triện”. Triện là thứ chữ viết như dấu triện trên các mảnh gỗ.

Triện mang ý của thần hoặc lời răn đe, cấm kỵ của thần linh.

Thường, người ta gộp phù và triện vào gọi là “phù triện”. Trên những mảnh gỗ phù triện có ghi danh sách và chức vị của các thần.

Người ta quan niệm: Phù triện là chỉ thị và mệnh lệnh buộc ma quỷ phải chấp hành. Nếu ma quỷ nào hỗn xược sẽ bị trừng trị ngay.

Phù triện là mệnh lệnh bắt buộc ma quỷ phải chấp hành

Thứ chữ trên phù triện đẹp, khó vẽ: Mỗi chữ mang một ý nghĩa, ở đây chúng tôi xin lấy một vài ví dụ về các mảnh phù triện.

1. Mảnh Phù Triện này giải nghĩa: Ngày Tý nằm mơ thấy điều ác đem dán ra trước cửa sẽ có điều lành. Như thế mảnh Phù Triện này trừ được những giấc mơ ác.

2. Ngày Sửu nằm mơ thấy điều ác: Những chữ đỏ son này mang đến điều lành.

3. Ngày Dần nằm mơ thấy điều ác: Chữ màu đen này mang lại điều lành gấp bội.

4. Ngày Mão nằm mơ thấy điều ác: Chữ màu đen sẽ mang lại điều lành gấp bội.

5. Ngày Thìn nằm mơ thấy điều ác: Chữ giải trừ này mang điều lành đến cửa.

6. Ngày Tị nằm mơ thấy điều ác: Dán Phù Triện này vào tường sẽ lành.

7. Ngày Ngọ nằm mơ thấy điều ác: Dán tờ Phù Triện này lên tường phía Nam sẽ lành.

8. Ngày Mùi nằm mơ thấy điều ác: Dán Phù Triện này trước cửa phòng sẽ lành.

9. Ngày Thân nằm mơ thấy điều ác: Dán tờ Phù Triện đỏ như son này lên tường sẽ lành.

10. Ngày Dậu nằm mơ thấy điều ác: Dán tờ Phù Triện này lên tường sẽ lành.

11. Ngày Tuất nằm mơ thấy điều ác: Dán Phù Triện này giữa tường sẽ lành.

12. Ngày Hợi nằm mơ thấy điều ác: Dán ngay Phù Triện này lên đầu giường.

Trên đây là l2 lá bùa xếp theo thứ tự “chi” của bát quái từ Tý, Sửu... Tuất, Hợi, ứng vào mười hai đêm ngủ mà nằm mơ thấy điều dữ.

Người ta còn cho rằng: Lấy các lá bùa màu đỏ như son yểm vào nơi quái dị, nam đeo bên trái, nữ đeo bên phải thì quỷ, ma quái đều bị diệt.

2. Chú

Lịch của Trung Hoa cổ đại thường ghi chép theo Can và Chi.

Can (10 Thiên can) gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Chi (12 Địa chi) gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, ứng vào 12 con vật.

Mười Thiên can và mười hai Địa chi ghép nối nhau quay vòng trong 60 năm. Ở đây nói đến Thiên can và Địa chi, vì chúng có liên quan đến lời “Thần chú”. “Chú” vốn là những câu cầu thần linh, dần dần theo thuyết của Đạo giáo, “chú” trở thành những câu niệm quyết trừ tà và trừ tai họa, cũng từ đó sinh ra một tập tục trong xã hội: Muốn trừ tà thì niệm chú. Người xưa còn quan niệm “chú” có khả năng giao cảm với thần linh.

Muốn trừ tà thì niệm chú

“Chú” đã bị những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng hành nghề; đặc biệt ở vùng dân tộc sống lạc hậu, các pháp sư, phù thủy dùng đủ loại niệm chú để lừa bịp dân lành.

Thời cổ đại Trung Hoa có chức quan chuyên việc bói đoán số mệnh, giải mộng nhưng không có chức quan niệm chú. Đến đời Tùy, đời Đường, nhiệm vụ này lại thuộc về các quan Thái y, chuyên vẽ bùa niệm chú để trừ ma chữa bệnh.

Có những câu chú truyền từ thời này sang thời khác cho đến ngày nay. Có những lúc chú đi đôi với phù triện, chữ vẽ sau này là bùa chú. Ví dụ, câu chú:

- Cơn mơ ác của phu nhân ba ngày không nói đến sẽ trở thành quý giá.

- Phàm làm người, ban đêm sẽ có những giấc mơ ác.

- Lấy tờ giấy đen này làm bùa.

- Nằm yên trên giường, để chân xuống đất.

- Đừng cho người biết.

Cho nên có bài chú rằng:

- Ửng hồng.

- Mặt trời mọc từ phương Đông.

- Lá bùa này đoán mộng.

- Trừ những điều không yên không lành.

- Đọc ba lần.

- Trăm ma quỷ ẩn hết.

- Khẩn cấp như luật lệnh.

- ... Ta biết tên anh, biết chữ anh viết. Cách xa ta hàng nghìn dặm, khẩn cấp như luật và lệnh. Vái lạy ngay.

- Ta biết tên anh, biết chữ của anh.

Ngày xưa Hoàng Đế thời Ngũ đế (thế kỷ XXV trước Công nguyên) đã vẽ 12 phù triện (lá bùa) để trừ ác mộng rồi cầm bùa đọc chú:

“Hách hách dương dương. Nhật xuất Đông phương.

Đoạn tuyệt ác mộng. Tịch trừ bất tường” (có nghĩa là: Dương dương oai vệ. Mặt trời lên từ phương Đông. Đoạn tuyệt với giấc mơ ác. Trừ bỏ mọi điều không lành).

Khi gặp cơn mơ ác, niệm chú này bảy lần sẽ trừ được tai họa, gặp điều lành.

Ở Nhật Bản, từ thế kỷ thứ V, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ngày càng tăng. Thế kỷ thứ VI hầu như toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản đều phỏng theo văn hóa Trung Hoa, nhất là nghệ thuật, kiến trúc. Đạo Nho, đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang Nhật Bản, do đó tập tục của hai dân tộc có nhiều điểm giống nhau.

Về các giấc mơ, Nhật Bản cũng có tín ngưỡng như Trung Hoa. Bốn câu chú có từ đời Hoàng Đế vừa nói trên cũng xuất hiện ở Nhật Bản. Niệm câu chú này, người Nhật Bản còn kết hợp với động tác nhìn về phía Đông khi hít vào và thở hắt ra hướng Bắc. Người ta tin rằng niệm và thở ra 7 lần thì trừ được tà ma, quỷ quái, có điều tốt lành.

Viết bình luận